Hot keys: Education and Training courses in Marine Scientist and Technology!

Tiềm năng và triển vọng dầu khí trên biển Việt Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 09/08/2012 10:09 - Người đăng bài viết: admin
Dầu khí là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam được bắt đầu từ đầu những năm 60, nhưng hoạt động tìm kiếm thăm dò chỉ thực sự được triển khai mạnh mẽ và sôi động từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam được ban hành (1987).
Giàn khoan khai thác mỏ Bạch Hổ. Ảnh PetroVietnam

Giàn khoan khai thác mỏ Bạch Hổ. Ảnh PetroVietnam

Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí được tiến hành ở cả vùng nước nông và vùng nước sâu, xa bờ. Đến nay hiện có 61 hợp đồng dầu khí đang hoạt động trên 140 lô, trong đó 47 hợp đồng ở giai đoạn thăm dò và thẩm lượng.

Các lô hợp đồng chủ yếu ở vùng thềm lục địa đến 200m nước. Hiện số lô mở không còn nhiều và chủ yếu nằm ở vùng ít/chưa rõ triển vọng, vùng nước sâu.

Khối lượng công tác thăm dò, khai thác dầu khí đã thực hiện trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là khá lớn với khoảng trên 300.000km tuyến khảo sát địa chấn 2D; 40.000km2 khảo sát địa chấn 3D và trên 1.000 giếng khoan.

Kết quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được các bể/cụm bể trầm tích có triển vọng dầu khí: Sông Hồng, Phú Khánh, Hoàng Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Trường Sa-Tư Chính-Vũng Mây, Malay-Thổ Chu và Phú Quốc, trong đó các bể: Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay-Thổ Chu đã phát hiện và đang khai thác dầu khí (Hình 1).

Tuy nhiên do đặc điểm địa chất dầu khí khác nhau nên tiềm năng cũng như các đặc trưng chính về dầu khí đã phát hiện của các bể cũng khác nhau, cụ thể như sau:

• Bể Sông Hồng: Phát hiện cả dầu và khí, trong đó mỏ khí Tiền Hải “C” ở đồng bằng sông Hồng (miền võng Hà Nội) đang được khai thác.

• Bể Cửu Long: Chủ yếu phát hiện dầu, hiện có 12 mỏ đang khai thác (Bạch Hổ, Rồng, Đồi Mồi, Rạng Đông, Phương Đông, Hồng Ngọc, Pearl, Topaz, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng). Đây là bể chứa dầu chủ yếu ở thềm lục địa Việt Nam.

• Bể Nam Côn Sơn: Phát hiện cả dầu và khí, hiện có 4 mỏ đang khai thác là các mỏ dầu Đại Hùng, Chim Sáo, mỏ khí Lan Tây và mỏ khí – condensate Rồng Đôi-Rồng Đôi Tây; ngoài ra đang chuẩn bị khai thác mỏ khí Hải Thạch – Mộc Tinh.

• Bể Malay- Thổ Chu: Phát hiện cả dầu và khí, hiện có mỏ dầu Sông Đốc và một số mỏ dầu-khí ở vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đang được khai thác (Bunga Kekwa-Cái Nước, Bunga Raya, Bunga Seroja).

Cho đến nay đã có trên 100 phát hiện dầu khí tại Việt Nam, trong đó có 97 phát hiện được đưa vào đánh giá thống kê trữ lượng, trong đó số lượng phát hiện phân bố ở các bể như sau: Sông Hồng (16), Phú Khánh (2), Cửu Long (40), Nam Côn Sơn (28) và Malay-Thổ Chu (11).

Các phát hiện dầu khí thương mại ở Việt Nam cho đến nay thường là các mỏ nhiều tầng chứa dầu, khí trong các dạng play (thời kỳ) có tuổi khác nhau: móng nứt nẻ trước Đệ Tam, cát kết Oligoxen, cát kết Mioxen và carbonate Mioxen, trong đó play móng phong hóa nứt nẻ trước Đệ Tam là đối tượng chứa dầu chủ yếu ở bể Cửu Long-bể chứa dầu chủ yếu ở thềm lục địa Việt Nam (xem Bảng 1).

Kết quả tính trữ lượng và dự báo tiềm năng dầu khí các bể trầm tích trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam tính đến ngày 31/12/2011 cho thấy tổng trữ lượng dầu khí tại chỗ đã phát hiện của các bể trầm tích của Việt Nam khoảng 3.700 triệu m3 dầu qui đổi.

Trữ lượng dầu khí đã phát hiện có thể thu hồi khoảng 1.370 triệu m3 quy dầu. Bể Cửu Long với đối tượng đá móng nứt nẻ có tiềm năng dầu khí tại chỗ, thu hồi lớn nhất tương ứng là trên 64% và 47% so với tổng trữ lượng các bể trầm tích.

Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện của các bể trầm tích ở Việt Nam được dự báo vào khoảng từ 2.800-3.600 triệu m3 quy dầu. Các bể có tiềm năng dầu khí chưa phát hiện chủ yếu là Tư Chính – Vũng Mây (27,78%), Sông Hồng (21,6%) và Nam Côn Sơn (18,52%).

Tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng sản lượng của các mỏ dầu khí đang khai thác là 440,64 triệu m3 quy dầu; trong đó sản lượng khai thác từ các mỏ dầu khí ở bể Cửu Long chiếm trên 82%.

Trữ lượng có thể thu hồi còn lại vào khoảng 930 triệu m3 quy dầu, trong đó tập trung chủ yếu ở các bể Sông Hồng (31,78%), Cửu Long (31,38%) và Nam Côn Sơn (22,57%).

Trữ lượng và tiềm năng dầu khí các bể trầm tích trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam dự báo là đáng kể. Trữ lượng đã phát hiện có khả năng thu hồi vào khoảng 1370 triệu m3 quy dầu.

Trừ một số mỏ có quy mô lớn, đa số các mỏ đã phát hiện có qui mô trung bình, nhỏ có nhiều tầng chứa với cấu trúc địa chất phức tạp.

Vì vậy việc đầu tư nghiên cứu các giải pháp công nghệ, cùng với các giải pháp, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài để thăm dò và khai thác dầu khí, đặc biệt là khai thác các mỏ dưới giới hạn kinh tế là một thực tế rất cấp bách và quan trọng.

Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí có độ rủi ro cao, đòi hỏi nguồn vốn lớn, nên còn phải dựa vào đầu tư nước ngoài, vì vậy mức độ thăm dò không đồng đều, hiện tập trung chủ yếu ở vùng nước nông đến 200m.

Trong thời gian tới cùng với việc tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Petrovietnam cần phải phát huy hơn nữa nội lực để đẩy mạnh và mở rộng công tác thăm dò, gia tăng trữ lượng làm cơ sở cho việc quy hoạch khai thác dầu khí hợp lý và hiệu quả.

Đồng thời cần đầu tư nghiên cứu tìm các giải pháp để khai thác các mỏ nhỏ, mỏ khí có hàm lượng CO2 cao; phối hợp với các nhà thầu nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để nâng cao khả năng thu hồi dầu tại các mỏ đang khai thác.

Điều này có ý nghĩa kinh tế rất lớn trong điều kiện suy giảm sản lượng ở các mỏ dầu khí đang khai thác và việc phát hiện các mỏ mới, mỏ có trữ lượng lớn và trung bình ngày càng khó khăn.

Chính phủ cũng cần xem xét sửa đổi, ban hành chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư thăm dò ở những vùng mới, vùng nước sâu, xa bờ.


Nguồn tin: Ban Tìm kiếm Thăm dò/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Bizmac.com -thiết kế web 24/7

Xem kênh Youtube

Thăm dò ý kiến

Bạn hiểu gì về lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển

Không quan tâm

Hiểu không nhiều

Tôi đã học một vài tài liệu

Rất quan tâm và thương xuyên đọc web bienxanh.net





Thống kê

  • Đang truy cập: 334
  • Hôm nay: 29590
  • Tháng hiện tại: 2278376
  • Tổng lượt truy cập: 53624578
   
Loading
Trưởng ban biên tập: TS. Lê Xuân Sinh - Email: bienxanhs.net@gmail.com - Hotline: +(84)972-366-858