Đánh thức giá trị “đang ngủ”
Sau nhiều năm tạm ngưng hoạt động do cơ sở xuống cấp, từ tháng 5-2024, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn (Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường) mở cửa đón khách tham quan trở lại. Mỗi tuần, nơi đây thu hút từ 300 đến 400 lượt khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến từ Hải Phòng và Hà Nội. Trong không gian tuy khiêm tốn nhưng được sắp xếp khoa học, hơn 2 nghìn mẫu vật sinh học biển và gần 500 mẫu địa chất biển được trưng bày theo chủ đề đa dạng sinh học, khoa học tự nhiên địa chất biển, từ san hô, sò, nhuyễn thể, bào ngư đến các loài rùa biển, cá kiếm, cá heo… Điểm nhấn trong bộ sưu tập mẫu sinh vật biển ở đây là bộ xương cá voi lưng gù dài gần 10 mét, được lưu giữ từ năm 1968 rất quý giá. Bên cạnh đó, những mẫu địa chất lấy từ quần đảo Trường Sa từ thập niên 60 của thế kỷ 20, được bảo tồn cẩn thận - không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn là minh chứng sống động cho giá trị lịch sử, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bảo tàng hiện đang mở cửa miễn phí và duy trì hình thức trưng bày kết hợp với các bài giảng trực quan của cán bộ bảo tàng mang lại trải nghiệm sinh động cho người xem. Em Trần Tuệ Nhi, học sinh lớp 6 Trường tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) hào hứng bày tỏ: Dù bảo tàng còn nhỏ, nhưng em rất thích được nhìn tận mắt các mẫu vật và nghe các chú công tác tại bảo tàng giảng kiến thức, giải thích về các mẫu vật. Em thấy mình yêu biển hơn và muốn góp phần bảo vệ môi trường biển.
Hiện thực hóa bảo tàng xứng tầm
Với vị trí đắc địa tại quận Đồ Sơn - nơi hội tụ nhiều tiềm năng về du lịch biển, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu, giáo dục và điểm đến văn hóa nổi bật của Hải Phòng cũng như cả khu vực phía Bắc. Năm 2009, UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án xây dựng Bảo tàng Hải dương học kết hợp cơ sở nghiên cứu tại địa điểm rộng hơn ở phường Bàng La, với quy mô hơn 11 ha. Tuy nhiên, dù toàn bộ mặt bằng đã được bàn giao từ năm 2018, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ mới hoàn thành một vài hạng mục cơ bản như tường rào, cổng vào, nhà bảo vệ và đường nội bộ. Lý do chính khiến dự án gần như bị “đóng băng” là do thiếu vốn đầu tư.
Tiến sĩ Lê Xuân Sinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn thông tin: Ngoài Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, chúng tôi là đơn vị thứ hai và duy nhất tại miền Bắc lưu giữ số lượng mẫu vật biển phong phú, giá trị nhất khu vực Trung - Bắc bộ hiện nay. Đây là tài sản khoa học, lịch sử vô cùng quý báu. Song, do tòa nhà bảo tàng xuống cấp nghiêm trọng từ năm 2015, không thể sử dụng, toàn bộ mẫu vật hiện phải chuyển về bảo quản tạm tại tòa nhà 2 tầng gần đó. Chúng tôi cố gắng khắc phục bằng cách tổ chức giảng dạy kết hợp trưng bày, nhưng rõ ràng không gian hạn chế đang cản trở rất nhiều việc khai thác giá trị của bảo tàng tới công chúng. Với sự quan tâm đúng mức từ các cấp chính quyền và cơ quan chủ quản, dự án xây dựng bảo tàng mới sẽ sớm được triển khai. Khi đó, nơi đây không chỉ trở thành điểm nhấn văn hóa, du lịch của quận và thành phố, mà còn góp phần quan trọng vào phát triển khoa học biển, giáo dục cộng đồng và xây dựng hình ảnh Hải Phòng như một đô thị biển năng động, bền vững.
Mong rằng, dự án xây dựng Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn kết hợp cơ sở nghiên cứu sẽ sớm được hoàn thành. Để nơi đây thực sự là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ. Bởi nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ và giới thiệu các giá trị về tài nguyên biển, mà còn thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững biển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về biển và đại dương.
bảo tàng, ví như, kho tàng, giá trị, khoa học, cơ sở, vật chất, không gian, trưng bày, hạn chế, hấp dẫn, học sinh, sinh viên, nhu cầu, tìm hiểu, khám phá, thế giới, tự nhiên
Mã an toàn:
Bizmac.com -thiết kế web 24/7 |
Ý kiến bạn đọc