Du lịch Việt Hải qua đôi mắt nàng thơ

Tôi là Hiền, thích khám phá phong cảnh thiên nhiên đất nước và đây là kỷ niệm đong đầy về chuyến đi Việt Hải trong tôi !
Cát Bà – cái tên đã không còn xa lạ đối với du khách thập phương khi đến với thành phố Hải Phòng. Nơi đây với vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ, được mệnh danh là Hòn Ngọc của Vịnh Bắc Bộ. Vẻ đẹp yên bình, không khí trong lành và nét giao hoà độc đáo giữa biển, rừng, sông, núi, thung lũng, hang động... khiến Cát Bà trở thành một điểm đến cực kỳ hấp dẫn với người ưa khám phá. Muốn đắm mình tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo này, tôi đã có một chuyến trải nghiệm tại vũng lõi của VQG Cát Bà. Tôi đến với Làng Việt Hải – ngôi làng hoang sơ, được ít người biết tới.
Mặt vịnh phẳng lặng, trong xanh như tấm gương phản chiếu khổng lồ

5h30’ sáng một ngày mùa đông cuối năm 2017, tiếng chuông báo thức đã làm tôi tỉnh giấc sau một đêm lạnh kéo dài. Mọi đồ đạc đã được chuẩn bị kỹ càng. Xe đón tôi vào lúc 6h sáng, tôi rời thành phố khi đèn đường mới vừa chợt tắt, khi cuộc sống nhộn nhịp vẫn chưa bắt đầu. Đường phố chỉ có thấp thoáng những gánh hàng rong và nhiều cô bác đi tập thể dục buổi sáng.

Liên hệ tại đây !
Tôi đi qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện – cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam. Từ khi có cầu, khoảng cách từ đất liền ra Cát Bà đã được rút ngắn hơn rất nhiều so với trước kia. 6h30’, tôi đến bến phà Gót, ngồi trên phà ngắm nhìn thành phố còn ánh đèn ẩn hiện trong sương sớm. Một vẻ đẹp mộng mị của thành phố cảng tấp nập mà bấy lâu tôi chưa kịp nhận ra. Sau 20 phút ngồi trên phà, tôi đặt chân đến Bến Phà Cái Viềng. Từ đây, mất 45phút đi băng qua quãng đường hơn 25km đầy những khúc quanh co, hiểm trở bên sườn núi, tôi đến Bến Bèo. Bến tàu khách nhộn nhịp những du khách trong và ngoài nước.
 
Con đò Việt Hải đưa đoàn khách du lịch phương xa đến Việt Hải. Một ngày có hai chuyển, chiều đi từ Cát Bà lúc 11h và 15h hàng ngày từ bến Bèo (30K/ người). Ca nô bạn chạy 15 phút (giá 500K/ chuyến) hay đò nan 300K/ chuyến.
 
Từ bến Cái Bèo - Con đò máy khiêm nhường chở lữ khách chạy vào Vịnh Lan Hạ, nước mặt vịnh phẳng lặng, trong xanh. Nhiều bãi cát trải dài giữa hai núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng.  Hệ sinh thái san hô là nguồn vốn trời cho của Vịnh Lan Hạ, thuộc quần đảo Cát Bà, nơi đây dưới làn nước trong xanh là những dải san hô nhiều màu sắc. Ngồi trên tàu có thể quan sát được các hoạt động của du khách khi du thuyền trong vịnh. Các vị khách thường phơi mình tận hưởng ánh nắng sớm, một số khác thích trải nghiệm bơi thuyền Kayak. 
San hô ẩn mình trong làn nước xanh biếc của Lan Hạ
 
Ngoài ra, trong vùng biển thanh bình đó còn có những làng chài nhỏ sống như tách biệt với phần còn lại của thế giới. Thấp thoáng dưới nhiều cụm đảo yên bình là những làng bè nuôi các loại đặc sản của vùng như vẹm xanh, tu hài, cá giò, cua, ghẹ, bào ngư, cá mú…Nhiều nhà bè nuôi cá trên vịnh là nơi cung cấp cá, tôm tươi sống theo nhu cầu ẩm thực hàng ngày của du khách.
Những làng chài nhỏ núp mình trong một góc Lan Hạ

Đi trong vịnh chừng 45 phút tàu sẽ ghé bến phía Đông Vườn Quốc gia Cát Bà. Thấp thoáng tôi thấy bến tàu Việt Hải dần hiện ra, nằm kiên cố giữa xung quanh là núi rừng hùng vĩ.

Những homestay sinh thái, tiện nghi đang đón chờ khách du lịch đến nghỉ chân

 Lên bến, chỉ có 1, 2 gian hàng nhỏ bán đồ lưu niệm và cho thuê xe đạp. Trước mắt tôi, một ngày mùa đông nhiều nắng ở làng Việt Hải, từng tốp hàng chục lượt khách du lịch nước ngoài đạp xe từ bến đò vào khám phá cuộc sống bình dị của người dân xã đảo bằng sự háo hức, thích thú.

Du khách nước ngoài thích thú đạp xe khám phá Việt Hải
 
Men theo tuyến đường nhỏ, qua 3 cái dốc cắt núi dựng ngược và một đường hầm – khi có mưa lớn thì bị ngập nước …Làng Việt Hải u tịch hiện ra trước mắt tôi là một ngôi làng nhỏ, lọt thỏm giữa biển khơi, những ngôi nhà bé nhỏ, nằm núp mình trong thung lũng, bốn bề được bao bọc là những cánh rừng già và núi đá vôi cao chót vót như hàng trăm kim tự tháp xanh vây bủa xung quanh ...
Cổng làng kiên cố chào đón nhiều lượt khách mỗi ngày !
 
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến với Việt Hải là bầu không khí vô cùng trong lành, thoáng đãng mà khi ở thành phố tôi khó lòng có thể cảm nhận được. Hơn thế nữa, không gian yên tĩnh ở nơi đây đối lập hẳn với thế giới đèn màu, huyên náo xe cộ ở Khu du lịch Cát Bà hay là trung tâm thành phố Hải Phòng. Nằm giữa thung lung sâu, địa lý chia cắt lại ở giữa biển khơi trên một vùng đất hẻo lánh nên ngay cả nhiều người trong vùng cũng ít có thông tin hoặc chưa bao giờ đặt chân đến. Bởi vậy, Việt Hải cứ mãi là một ngôi làng xa lạ, bí ẩn giữa đời thường. Những năm trước đây, Việt Hải gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Rừng núi hoang vu, vắng vẻ, để có thể đến được Việt Hải chỉ có 2 con đường: một là đi thuyền qua vịnh Lan Hạ đến bến Việt Hải và đi bộ vài km đường rừng để vào làng; hai là băng rừng nguyên sinh xuyên vườn quốc gia Cát Bà, theo con đường mòn mạo hiểm cheo leo qua nhiều dốc đá dựng đứng, những hang núi, khe sâu; những bãi lầy, vũng áng…Đặt chân vào làng, tôi đi trên trục đường bê tông mới xây khang trang, sạch đẹp. Hai bên đường là những hàng hoa râm bụt đang đua nhau khoe sắc thắm. Tôi thấy nhớ loài hoa này, bởi từ lâu khi sống ở thành phố tôi đã không còn được trông thấy.
 
Hàng rào dâm bụt dài miên man đang trổ bông hoa đỏ chói chào đón người khách lạ đến thăm Việt Hải
 
Việt Hải nghèo vật chất nhưng tình nghĩa bao giờ cũng đong đầy. Người dân nơi đây sống chất phác, thật thà và họ vô cùng mến khách. Tôi dừng chân nghỉ trưa tại quán ăn của nhà anh Trưởng ban văn hóa xã, gia đình anh là một trong những hộ khá giả của làng. Tôi được chiêu đãi những món ăn từ hải sản tươi ngon vừa được mang về từ biển cả. Thêm vào đó là lòng nhiệt thành của anh chị chủ nhà khiến tôi có một niềm yêu mến hơn con người nơi đây. Khi tới với những hộ gia đình khác, tuy cuộc sống có đôi phần thiếu thốn nhưng sự thân thiện và cởi mở của họ đã là một món quà quý giá dành cho không chỉ riêng tôi mà còn cho tất các du khách khi đến với ngôi làng nhỏ bé này.
Ngôi nhà tranh vách đất còn lưu giữ ký ức thời gian

Chính bởi sự khó khăn trong việc tiếp cận với các khu vực khác trên đảo nên người dân Việt Hải vẫn giữ được cuộc sống mang nét “nguyên thủy” như từ thuở xa xưa, lòng người hồn hậu, chân chất đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Việt Hải là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Cát Hải, nhưng người dân ở đây lại có vẻ rất vừa lòng với cuộc sống nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa tình của mình. Sống chia sẻ cùng nhau, không toan tính, vụ lợi, làm giàu giữa núi rừng và biển cả. Người dân trong làng sống hòa thuận với nhau như trong một đại gia đình. Phương tiện giao thông rất đơn sơ, cả xã có hơn chục chiếc xe máy mới sắm của những gia đình được xem là khá giả nhất dùng để chạy vòng vòng vài cây số trong xóm hoặc trên con đường bê tông ra bến đò. Xe đạp, xe máy để đâu đó ở một góc bên đường, hoặc cổng nhà để cả chìa khóa trên xe. Ai muốn đi đâu thì cứ việc sử dụng, sau đó lại trả về chỗ cũ, người khác cần đi lại tự động lấy dùng như phương tiện công cộng. Nhà mở cửa suốt cả ngày đêm, chủ nhà có khi đi vắng vài ngày mọi đồ vật vẫn còn y nguyên. Nhà ai có việc phải lo cũng chẳng cần thông báo, cả làng cùng xúm tay đến giúp đỡ. Đồ đạc của nhà này, nhà khác có việc cần cứ lấy dùng một cách thoải mái. Bởi vậy, cả xã chỉ có hai công an viên chủ yếu lo việc hành chính. Việt Hải gần như “sạch” hoàn toàn với tất cả các loại tệ nạn mà ở đâu đó bên ngoài kia đó là những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm.

Ánh nắng chiều le lói đang chuẩn bị tắt sau dãy núi phía Tây, một buổi tối như thường lệ của người dân trên đảo bắt đầu.
 
Những người làm nghề chài lưới trở về từ biển cả sau một ngày lênh đênh sóng nước, những con trâu nhởn nhơ gặm cỏ giữa cánh đồng cũng thong thả trở về chuồng. Sương đã xuống nhiều hơn, đã có những ánh đèn được thắp lên, phần nào xua đi cái lạnh giá của nơi đảo vắng. Đêm ở Việt Hải rất lạnh, cái lạnh như thấm vào từng lớp da, thớ thịt. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi trải nghiệm 1 đêm mùa đông trên đảo. Bởi vậy, tôi vẫn chưa thích nghi được với cái giá lạnh này. Tôi chỉ mong trời mau sáng để có thể được tận hưởng chút nắng ấm áp.
Rồi bình minh lên, kết thúc một đêm dài lạnh giá, khi ánh nắng mặt trời đã xuyên qua từng nhành lá vẫn còn ướt đẫm sương. Tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Trong không gian thanh bình, bầu không khí vẫn còn đượm hơi sương của buổi sáng sớm, tôi dạo bước qua những cánh ruộng, trên con đường làng, thở nhịp thở của núi rừng và biển cả, hòa nhịp cùng cuộc sống của người dân nơi đây để có thể cảm nhận hết được giá trị của sự mộc mạc thuần túy này. Cuộc sống ở đây bắt đầu khi mặt trời mới vừa ló rạng. Tuy vậy, mọi thứ dường như không vội vã, không hối hả, nhịp sống chậm rãi, thanh thản đến lạ kỳ.Men theo 2km đường rừng, tôi đến với Nhà Cổ Việt Hải. Đây sẽ là điểm đến cuối cùng của tôi trong chuyến trải nghiệm này. Nhìn từ xa, ngôi nhà được xây bằng gỗ với kiến trúc cổ kính, mái vòm được lợp bằng gạch nung. Ngôi nhà được kiên cố lại giống kiến trúc nhà xưa của người Việt cổ. Tạo một điểm nhấn rất riêng cho Việt Hải mà du khách nào khi tới đây cũng muốn khám phá.
Khu nhà cổ là điểm nhấn trong tham quan du lịch Việt Hải
 
Kết thúc chuyến hành trình, tôi chia tay Việt Hải lúc mặt trời đang ngả bóng. Lại băng qua quãng đường dốc cheo leo và một đường hầm ngập nước, tôi đến bến tàu. Chiếc tàu máy dần chạy vào vịnh Lan Hạ, bến Việt Hải vẫn nằm im lìm ở đó như mời gọi tôi một lần nào đó quay trở lại… 
 
Tôi đến bến phà Cái Viềng lúc 6h tối, chuyến phà to mang lữ khách về với đất liền. Chuyến phà rời đi, những rừng cây đang chìm vào bóng tối. Chỉ có chút ánh sáng nhập nhoạng khu bến phà. Chỉ ít phút nữa là tôi sẽ trở lại với đất liền, nhưng có lẽ chuyến đi này đã mang đến cho tôi thật nhiều những cảm xúc, những ấn tượng khó phai nhòa. Dấu ấn về một miền đất bình yên, với những âm thanh vọng về từ rừng thẳm, với không gian thênh thang nắng gió, với lòng nhiệt thành và hiếu khách của dân chúng.
Mọi thứ rồi đây sẽ thay đổi, nhưng giữa trùng khơi sóng vỗ vẫn còn đó một ngôi làng thuần Việt, những giá trị truyền thống Việt Nam đang được người dân và cả những du khách đến thăm trân trọng nâng niu. Họ không chỉ giữ cho cuộc sống của mình, giữ cho cảm nhận của khách tham quan về một làng quê đích thực mà chính cuộc sống thanh bình, yên ả, lòng nhân hậu, phong cảnh hữu tình của làng quê ấy đã trở thành một loại sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng đông du khách đến với vùng đất giữa biển khơi này. 

Một ngày gần nhất, tôi sẽ lại có hẹn với nơi đây…!

Tác giả bài viết: Minh Hiền, Xuân Sinh