Cách ký hiệu và thuật ngữ trên bảng thủy triều

Lịch thủy triều quan trong trong các điều tra khảo sát biển vì tùy thuộc vào từng thời điểm mà thông số môi trường khác nhau. Đặc biệt, các tàu hàng căn cứ vào lịch thủy triều để ra vào cảng vận tải hàng hóa.
Bảng thủy triều có nhiều thuật ngữ và chúng ta phải hiểu những thuật ngữ này để đọc được thông số từ lịch thủy triều:

1.      Thuỷ triều. Đó là hiện tượng dao động mực nước sông biển phát sinh bởi sự biến thiên tuần hoàn của lực hấp dẫn mặt trăng và mặt trời lên mỗi vị trí trên bề mặt quả đất (do quả đất quay quanh trục của nó và tất cả chúng đều chuyển động liên tục trong vũ trụ theo các quỹ đạo khác nhau).
2.      Sóng triều. Thủy triều lan truyền trong thủy quyển dưới dạng sóng dài, chu kỳ nhiều giờ, bước sóng hàng ngàn km và biên độ bé (so với bước sóng) và được gọi là sóng triều. Tính chất các sóng triều thành phần phụ thuộc vào độ lớn và chu kỳ biến thiên lực hấp dẫn giửa mặt đất với mặt trăng và mặt trời. Các sóng triều cơ bản là: sóng bán nhật triều mặt trăng chính (ký hiệu M2, chu kỳ 12 giờ 25 phút); sóng nhật triều mặt trăng chính (ký hiệu O1, chu kỳ 25 giờ 47 phút), sóng bán nhật triều chính (ký hiệu S2, chu kỳ 12 giờ), sóng nhật triều mặt trời chính (ký hiệu P1, chu kỳ 24 giờ 4 phút) và sóng lệch nhật triều chính (ký hiệu K1, chu kỳ 23 giờ 56 phút). Có khoảng 396 sóng triều thành phần có ý nghĩa.
3.      Sóng triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông. Tính chất thủy triều tại vùng biển ven bờ và cửa sông rất phức tạp vì mực nước triều ở đây được hình thành bởi tổ hợp các sóng dài dạng sóng tiến và sóng đứng bị biến dạng mạnh do sự phản xạ, khúc xạ, tác động của lực Corriolis, lực ma sát, cấu trúc đáy, đường bờ biển và sông rạch.
Mực nước triều là cao trình mặt nước dao động theo thời gian so với mốc cao độ quy ước. Mực nước triều đo bằng đơn vị độ dài mét (m) hoặc xen ti mét (cm). Mỗi trị số mực nước triều ứng với một thời điểm xuất hiện gọi là giờ xuất hiên (GXH) tính bằng giờ và phút. Trong bảng dự tính thuỷ triều này, mực nước triều dự tính đo bằng cm và mốc cao độ quy ước là mốc Quốc gia. Đường cong biểu thị diễn biến mực nước triều theo thời gian gọi là đường quá trình mực nước triều.
 
4.      Chu kỳ triều. Chu kỳ triều phụ thuộc vào cơ chế tổ hợp các sóng triều thành phần. Thông thường, khoảng thời gian giữa hai lần chân triều trong một ngày gọi là chu kỳ triều.
5.      Nước lớn (đỉnh triều) Vị trí cao nhất của mực nước trong một chu kỳ triều.
6.      Nước ròng (chân triều): Vị trí thấp nhất của mực nước trong trong một chu kỳ triều.
7.      Nếu trong một ngày có hai lần nước lớn, hai lần nước ròng thì phân biệt nước lớn cao (NLC), nước lớn thấp (NLT) và nước ròng cao (NRC), nước ròng thấp (NRT).
8.      Thời gian triều dâng là khoảng thời gian từ lúc nước ròng đến lúc nước lớn kế tiếp.
9.      Thời gian triều rút là khoảng thời gian từ lúc nước lớn đến lúc nước ròng kế tiếp.
10. Độ lớn triều là hiệu mực nước nước lớn cao và mực nước nước ròng thấp trong ngày.
11. Kỳ nước cường và kỳ nước kém: cứ trong khoảng nửa tháng có 3-5 ngày triều lên xuống mạnh (lên rất cao, xuống rất thấp) gọi là kỳ nước cường; sau đó độ lớn triều giảm dần kéo dài chừng 4-5 ngày, tiếp đó là 3-5 ngày triều lên xuống rất yếu gọi làkỳ nước kém. Kế đó, độ lớn triều tăng dần trong vòng 4-5 ngày và bước vào kỳ nước cường tiếp theo. Các kỳ con nước lặp lại một cách tuần hoàn nhưng khác nhau về cường độ. Kỳ triều cường xảy ra vào tuần trăng rằm và đầu tháng âm lịch, khi mặt trăng, mặt trời và trái đất nằm trên một đường thẳng. Tuần triều kém có độ lớn triều cực tiểu xảy ra vào thời kỳ trăng non và trăng già. Trong trường hợp này, mặt trăng và mặt trời tạo với trái đất thành một góc vuông mà đỉnh là trái đất.
 
 
12.  Chế độ triều. Chế độ triều tại một vị trí nhất định được xác định theo chu kỳ giao động mực nước triều. Có hai loại triều cơ bản là bán nhật triều và nhật triều. Với bán nhật triều, trong một ngày có hai lần triều dâng lên và hai lần triều rút, trong khi đó, nhật triều chỉ có một lần lên và một lần xuống. Ngoài hai loại cơ bản còn có 2 loại triều hỗn hợp là bán nhật triều không đều và nhật triều không đều. Tại khu vực có chế độ bán nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng có có hai lần triều dâng và hai lần triều rút và một số ngày chỉ có một lần triều lên hoặc một lần triều rút. Khu vực có chế độ nhật triều không đều, hầu hết các ngày trong tháng là nhật triều và một số ít ngày là bán nhật triều.
 
13. ‘0’ hải đồ (‘0’ độ sâu) tại một vị trí là mực nước thấp nhất tại vị trí đó. Cao trình ‘0’ hải đồ so với mốc cao độ Quốc gia tại mỗi vị trí mỗi khác.
Đặc điểm chính thuỷ triều khu vực Nam Bộ
1.      Chế độ triều. Khu vực Nam Bộ chịu tác động của hai hệ thống thủy triều khác nhau xuất phát từ biển Đông và biển Tây Nam Bộ. Do đó, chế độ thủy triều dải ven bờ biển từ Vũng Tàu đến Mũi Cà Mau  bán nhật triều không đều, trong khi đó, chế độ thủy triều dãi ven bờ biển từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên  nhật triều không đều. Mũi Cà Mau là khu vực chuyển tiếp.
 
 

2.      Độ lớn triều: Độ lớn triều vùng ven biển Đông Nam Bộ đạt khoảng 3,0-4,0m (lớn nhất Việt Nam), trong khi đó độ lớn triều vùng ven biển Tây Nam bộ đạt khoảng 0.8-1.2m.
3.      Diễn biến mực nước triều trong năm. Trong toàn khu vực ven bờ biển Nam Bộ, mực nước triều cao nhất năm thường xuất hiện vào các tháng X, XI. Trong các tháng VI và VII, mực nước triều thấp nhất năm.
4.      Diễn biến mực nước triều theo không gian. Mực nước triều cao nhất tại ven bờ biển Đông Nam Bộ có xu thế tăng dần từ Bắc (Vũng Tàu, Cửa Tiểu) xuống Nam (Gành Hào). Trong khi đó, tại vùng ven bờ biển phía Tây Nam Bộ, mực nước cực đại giảm theo hướng từ Nam (mũi Cà Mâu) lên Bắc (Rạch Giá, Hà Tiên).
 
5.      Các yếu tố phi triều ảnh hưởng đến dao động mực nước tại vùng ven biển Nam Bộ bao gồm:
        Sự dâng/rút mực nước do gió mùa và gió bão gây ra. Vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc, gió “chướng” có thể làm mực nước vùng ven biển Đông Nam bộ dâng lên 10- 50cm (tùy thuộc vào cường độ và thời gian gió thổi) và mực nước vùng biển Tây hạ xuống 10-20cm. Các đợt gió mùa Tây Nam lớn trong mùa mưa có thể làm mực vùng biển Tây Nam Bộ dâng lên 10-30cm so với các ngày không gió. Nước dâng trong bão có thể đạt đến 50-110cm, tùy nơi và cấp bão.
        Tác động của dòng chảy sông Mê Kông đối với mực nước tại vùng ven biển Nam Bộ khá lớn. Những năm lũ lớn, mực nước vùng ven bờ biển có thể cao hơn năm lũ trung bình 15-30cm. Ngược lại, các năm lũ nhỏ, mực nước thấp hơn năm lũ trung bình 10-25cm. Các yếu tố mưa cục bộ, bốc hơi và thấm cũng ảnh hưởng nhất định đến dao động mực nước.
         Ảnh hưởng của lũ, mưa tại chỗ tăng lên đối với các điểm nằm sâu hơn trong đất liền.
Hiện nay, việc dự tính mực nước triều đã tính đến ảnh hưởng của các yếu tố phi triều trung bình nhiều năm.
6.      Mực nước triều tại các vị trí không có số liệu dự tính có thể được nội suy ra theo số liệu mực nước triều dự tính tại ít nhất hai điểm gần nhất (về mặt lan truyền sóng triều) và có chung chế độ triều.
Các điểm mới trong bảng triều năm 2013
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều tổ chức và cá nhân, ngoài các số liệu dự tính triều cho 27 trạm các tỉnh Nam Bộ (An Thuận, Bến Lức, Bến Trại, Biên Hòa, Bình Đại, Cà Mau, Cần Thơ, Chợ Lách, Đại Ngãi, Gành Hào, Hà Tiên, Hòa Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Thanh, Mỹ Tho, Mỹ Thuận,  Năm Căn, Nhà Bè, Ông Đốc, Phú An, Rạch Giá, Tân An, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vàm Kênh, Vũng Tàu và Xẻo Rô) như các năm trước đây, chúng tôi đã thu thập them các số liệu và bổ sung kết quả dự tính triều cho 6 trạm mới, bao gồm:
·        Trạm Trần Đề năm tại khu vực Cảng Cá Trân Đề, thuộc sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cốt trạm này theo hệ cao độ Nhà Nước.
·        Trạm Phú Quốc nằm trên bờ Tây đảo Phú Quốc thuộc biển Tây, tỉnh Kiên Giang. Cốt trạm này theo hệ cao độ Hải Đồ.
·        Trạm DK1-7 nằm tại bãi Huyền Trân thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, trên biển Đông. Cốt trạm này theo hệ cao độ Hải Đồ.
·        Trạm Cầu Đá nằm trên bờ biển gần Viện Hải Dương Học, tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thuộc biển Đông. Cốt trạm này theo hệ cao độ Hải Đồ.
·        Trạm Quy Nhơn, nằm tại cảng Quy Nhơn trên biển Đông, tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cốt trạm này theo hệ cao độ Hải Đồ.
·        Trạm Hòn Dấu, nằm tại Đảo Hòn Dầu, tp Đồ Sơn trên biển Đông, tp Đồ Sơn thuôc Tp Hải Phòng. Cốt trạm này theo hệ cao độ Hải Đồ.
Tọa độ địa lý của các trạm này được ghi trong bảng triều.
 
Ghi chú: Số liệu dự tính thủy triều do TS. Nguyễn Hữu Nhân, Phó Viện Trưởng, cung cấp miễn phí qua website của Viện Kỹ Thuật Biển. Các quý khách  tải số liệu thủy triều xuống để dung, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi để tiện việc thống kê và mở rộng phạm vi cung cấp. Nếu quý khách cần thêm thông tin hỗ trợ xin vui lòng liên hệ ThS. Đinh Quang Vũ Bình - dqvbinh@yahoo.com - 0909210838. Rất mong nhận được sự phản hồi của các quý khách.

Dowload lịch thủy triều !

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Hữu Nhân

Nguồn tin: www.icoe.org.vn