Phát hiện loài cá Chình Gymnothorax minor ở biển Việt Nam

Đây là loài cá Chình vân lưới Gymnothorax minor (Temminck & Schlegel, 1846) dựa trên mẫu vật thu thập được tại cảng cá Cửa Bé, Nha Trang, Khánh Hòa.

Mẫu vật thu thập có mã số FRLM 31626, chiều dài toàn thân 363.0 mm con đực và mã số FRLM 31627, chiều dài toàn thân 270.5 mm con cái. Đặc điểm nhận dạng của loài là có hệ thống các vạch ngang màu đen chạy dọc quanh thân (các vạch này không phân biệt giữa phần lưng và bụng); Số lượng đốt sống theo công thức 5-54-139 và 5-56-136. Loài cá Chình vân lưới được ghi nhận là loài cá có giai đoạn lưỡng tính (thay đổi giới tính đực, cái trong vòng đời), mẫu vật thu được của nghiên cứu này là mẫu cá đã trưởng thành và phân biệt đực, cái rõ ràng. Sự khác biệt về giới tính được xác định bởi sắp xếp các hàng răng trên xương khẩu cái và buồng trứng ở giai đoạn chưa thành thục sinh dục (đường kính nhỏ hơn 0.1 mm).

Hình dạng ngoài tiêu bản của loài Gymnothorax minor mã số FRLM 31626, chiều dài toàn thân 363.0 mm thu thập tại Nha Trang

 

Cá Chình vân lưới Gymnothorax minor (Temminck & Schlegel, 1846)

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về Khoa học biển ven bờ (ACORE/JSPS) giữa Việt Nam và đối tác Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của đề tài Nghị định thư Việt Nam – Đài Loan NDT.16 TW/16; TS.Nguyễn Văn Quân cùng các nhà ngư loại học thuộc Trung tâm nghiên cứu Nghề cá, Đại học Tổng hợp Mie, Nhật Bản đã phát hiện sự xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam của loài cá Chình vân lưới Gymnothorax minor (Temminck & Schlegel, 1846) dựa trên mẫu vật thu thập được tại cảng cá Cửa Bé, Nha Trang, Khánh Hòa.

Cấu tạo bộ răng và xương hàm của loài Gymnothorax minor: a. Con đực, b. Con cái
 Cấu tạo bộ răng và xương hàm của Cá. a- Loài đực, b- Loài cái

Loài cá Chình vân lưới Gymnothorax minor có phạm vi phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu, giới hạn tới vùng biển Nhật Bản và phía Nam của Trung Quốc ở vĩ độ 20o Bắc, chưa tìm thấy mẫu vật ở vùng biển nhiệt đới. Chính vì vậy việc lần đầu tiên phát hiện sự xuất hiện của loài này trong vùng biển Việt Nam đã minh chứng cho việc mở rộng phạm vi phân bố của loài đến các vùng biển nhiệt đới. Chi tiết mô tả về phát hiện mới này đã được đăng tải trên tạp chí Journal of Biogeography số 18, ISSN 305-0270, trang 63-66.

 

Tác giả bài viết: CN. Nguyễn Thị Kim Anh, Thanh Hà

Nguồn tin: www.vast.ac.vn