Chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng

Khẳng định việc Trung Quốc xây đắp tại các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam là đe dọa hòa bình, ổn định, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền.
Chủ tịch Quốc hội: 'Chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng'
+ "Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 chiều 26/6 khi đề cập việc chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hành động bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.

+ Vấn đề chủ quyền biển Đông tiếp tục được nêu tại họp báo công bố kết quả kỳ họp vào chiều cùng ngày. Trả lời câu hỏi về mong muốn của người dân là Quốc hội sẽ ra nghị quyết trước các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, biển Đông là vấn đề phức tạp.

+ Trước đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Quốc hội đã yêu cầu và Chính phủ giao Bộ Ngoại giao báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông. Nội dung này được trình bày trong phiên họp kín chiều 5/6.“Việc Trung Quốc xây các bãi ngầm không thay đổi được chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo trên biển Đông. Quan điểm cá nhân, tôi tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề trên và Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi tình tình, ra nghị quyết nếu thấy cần thiết”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

+ Thời gian qua, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, sân bay, bến cảng ở quần đảo Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.

+ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình từng nhiều lần khẳng định hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại Trường Sa là bất hợp pháp, không thay đổi được thực tế Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này."Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở biển Đông", ông Bình nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/6.

Tác giả bài viết: Võ Hải

Nguồn tin: vnexpress.net