Tàu lượn biển (sea glider), chìa khóa nghiên cứu biển sâu

Tàu lượn biển được trang bị cánh, cho phép chúng lướt trong cột nước đến độ sâu 1000 m và trang bị các cảm biến vật lý và các cảm biến sinh hóa
Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) phối hợp với Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức khóa tập huấn về sử dụng tàu lượn biển tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, Bình Định trong ba ngày 20-22/06/2018. Khóa tập huấn đã thu hút khoảng 20 cán bộ nghiên cứu đến từ nhiều đơn vị khác nhau như: Viện Tài nguyên và Môi trường biển (IMER), Viện Hải dương học (VNIO), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), Trường Đại học Quy Nhơn (QNU)…

Tập thể các chuyên gia và các học viên tham gia khóa tập huấn chuẩn bị ra biển Quy Nhơn để thử nghiệm thiết bị

 
Tàu lượn biển (sea glider) là một robot tự động có dạng ngư lôi dài khoảng 1,50 m và nặng từ 50 đến 60 kg. Tàu lượn biển được trang bị cánh, cho phép chúng lướt trong cột nước đến độ sâu 1000 m, theo con đường răng cưa trên mặt phẳng thẳng đứng. Tàu lượn biển được trang bị các cảm biến vật lý (áp suất, độ dẫn, nhiệt độ, độ muối) và các cảm biến sinh hóa (huỳnh quang, oxy hòa tan, nitrat, CDOM, chlorophyll-a ...). Dữ liệu sẽ ghi lại trong các lần lặn và được truyền lên bờ khi bề mặt tàu lượn biển được nâng lên mặt nước nhờ hệ thống thông tin vệ tinh.

Nguyên tắc hoạt động của tàu lượn biển và kết nối truyền dữ liệu thông qua vệ tinh

 
Các hoạt động của tàu lượn được phát triển ở châu Âu vào đầu những năm 2000 và tiếp tục được mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều vùng biển và đại dương trên thế giới. Tàu lượn biển đặc biệt hữu ích trong việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập nhiều thông số biển trong thời gian dài (khoảng 2 tháng) trên phạm vi hàng nghìn cây số, thậm chí hoạt động cả trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt. Điều này mang lại những lợi ích to lớn cho việc nghiên cứu những vùng biển sâu và đại dương. Tuy nhiên, để triển khai ứng dụng tàu lượn biển trong khảo sát môi trường biển cũng cần đòi hỏi một đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao, và sự phối hợp tốt của nhiều cơ quan khác nhau như: hải quan, biên phòng, nhà khoa học…
Chuyên gia thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS)
giới thiệu tàu lượn biển (sea glider)

Trên tất cả, tàu lượn biển là một phần đặc biệt quan trọng của các mạng lưới các thiết bị khảo sát biển hiện tại và trong tương lai. Chúng có nhiều lợi thế lớn giúp các nhà khoa học có được một cái nhìn sâu sắc hơn về biển và đại dương trên thế giới. Những kết quả thu được đã giúp cho các nhà khoa học biển Việt Nam biết về những thiết bị hiện đại nghiên cứu các vùng biển xa bờ như khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá được tài nguyên, đa đạng sinh học của một vùng biển Việt Nam. 

Các học viên được trao Chứng nhận sau khi hoàn thành khóa tập huấn !
 

Tác giả bài viết: Văn Bách

Nguồn tin: Nguồn tham khảo: http://dtinsu.prod.lamp.cnrs.fr/spip.php?article8