TS. Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021

Các kết quả nghiên cứu của TS. Lê Xuân Sinh có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế xanh ở các vùng dân xã đảo ven biển.

TS. Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021

06/09/2022
Mới đây, tại Lễ trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tối ngày 31/7/2022, TS. Lê Xuân Sinh thuộc Phòng Hóa môi trưởng biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã vinh dự được nhận Giải thưởng cá nhân về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Giải thưởng Môi trường Việt Nam là Giải thưởng cao quý nhất về môi trường, được tổ chức xét tặng 2 năm một lần, nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những đóng góp to lớn về công sức, trí tuệ, cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Giải thưởng Môi trường Việt Nam còn là nơi ươm mầm cho những giải pháp chính sách, mô hình sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Trong lần xét tặng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 234 hồ sơ đăng ký tham gia của 158 tổ chức, 72 cá nhân và 4 cộng đồng. Sau 2 vòng rà soát, xem xét kỹ lưỡng, đánh giá từng hồ sơ, toàn thể Hội đồng và Ban cố vấn đã thống nhất trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 cho 33 tổ chức, cá nhân, cộng đồng (bao gồm 20 tổ chức, 10 cá nhân, 3 cộng đồng). Trong đó, TS. Lê Xuân Sinh, Phòng Hóa Môi trưởng biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đạt Giải thưởng cá nhân về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.


TS. Lê Xuân Sinh nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021

 
TS. Lê Xuân Sinh chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp

Những đóng góp của TS. Lê Xuân Sinh trong hoạt động bảo vệ môi trường

Trong quá trình công tác tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển, TS. Lê Xuân Sinh đã nhận được danh hiệu chiến sĩ thua đua cấp cơ sở năm 2017, 2018; Giấy khen, bằng khen của Công đoàn những năm 2018, 2020, 2021. Trong quá trình nghiên cứu khoa học đã chủ nhiệm 10 đề tài và tham gia nhiều đề tài các cấp khác. Đến nay, Tiến sĩ đã công bố được 86 bài báo (trong đó có 10 bài báo quốc tế), 02 cuốn sách, 01 giải pháp hữu ích. Ngoài ra, TS. Lê Xuân Sinh còn đào tạo, hướng dẫn 02 nghiên cứu sinh, 06 học viên cao học và nhiều sinh viên của các trường đại học đã tốt nghiệp. 

Các kết quả nghiên cứu của TS. Lê Xuân Sinh có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế xanh ở các vùng dân xã đảo ven biển. Kết quả thể hiện rõ nhất trong công trình nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16-20 do TS. Lê Xuân Sinh làm chủ nhiệm. Đề tài đã thực hiện thành công việc xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một xã đảo với các bước thực hiện cụ thể. Các hoạt động triển khai thực tiễn đã được áp dụng tại các xã đảo Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng), xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn, Bình Định) và xã đảo Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang). 

Tại huyện Cát Hải, Đề tài đã phối hợp với UBND Huyện Cát Hải thực hiện kế hoạch số 193/KH-UBND, ngày 08/8/2019 “Hành động để giảm thiểu rác thải nhựa và nylon, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn huyện Cát Hải”. Trong kế hoạch này, TS. Lê Xuân Sinh phối hợp với các đơn vị Chi cục biển và hải đảo, Đài truyền hình Hải Phòng, tập đoàn An Phát Holdings triển khai mô hình điểm “Xã đảo không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa một lần” tại xã đảo Việt Hải. 


Tập huấn cho học sinh THCS Đông Hải 2 (thành phố Hải Phòng)

Ngoài ra, TS. Lê Xuân Sinh còn tham gia tổ chức các buổi giáo dục nâng cao hiểu biết về môi trường cho 1000 em học sinh tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Tập huấn cho người dân tại xã đảo Việt Hải phân loại rác, tiến hành ủ phân hữu cơ tại nhà; Tập huấn cho người dân phân loại pin thải, thu gom pin để chuyển vào đất liền xử lý; Tuyên truyền cho người dân về các sản phẩm có thể phân hủy sinh học thay vì các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút bằng bột gạo, ống hút cỏ, túi phân hủy sinh học, cốc giấy… 

 
Mô hình massage cá suối Garra Rufa quy mô hộ gia đình

Các hoạt động nghiên cứu của đề tài đều hướng đến triển khai các mô hình kinh tế tăng trưởng xanh từ đó góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng đảo như: phát triển mô hình du lịch ngắm san hô bằng thuyền đáy kính để bảo hệ sinh thái san hô; mô hình massage cá nhằm bảo vệ đàn cá cá suối Garra Rufa, trước đây người dân dùng làm thức ăn. Các mô hình này đều giúp phát triển kinh tế cho người dân và có ý nghĩa gắn với các hoạt đông bảo vệ các hệ sinh thái biển để người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn vốn tự nhiên phục vụ phát triển bền vững.

Thành công của đề tài đã mở ra hướng nghiên cứu, ứng dụng mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo ven bờ và các đảo nhỏ ở Việt Nam. Đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học đối với cộng đồng xã hội và môi trường tự nhiên. 

Xem thêm thông tin chi tiết tại: http://www.imer.ac.vn/ts-le-xuan-sinh-nhan-giai-moi-truong-viet-nam-giai-doan-2019-2021-1104.html

Nguồn tin: Viện Tài nguyên và Môi trường biển 

Xử lý tin: Minh Tâm