Cảng cửa ngõ Lạch Huyện được thiết kế với năng lực thông qua 35 triệu tấn hàng mỗi năm vào 2020
Cảng Hải Phòng thuộc nhóm cảng phía bắc (nhóm 1) Việt Nam gồm 30 cảng với qui mô khác nhau dọc theo hai bên bờ sông Cấm, Bạch Đằng và cửa Nam Triệu (Cảng vụ Hải Phòng, 2007, 2008). Theo Qui hoạch tổng thể phát triển cảng biển đến 2010 và định hướng đến 2020, cảng Hải Phòng được cải tạo và nâng cấp qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng đầu tư là 40 triệu đô la. Giai đoạn 2 bao gồm mở rộng cảng công ten nơ Chùa Vẽ (xây dựng 359m cầu tầu) tiếp nhận tầu 10.000 DWT, luồng vào cảng mới 7,2m ở Lạch Huyện, nạo vét kênh Hà Nam, luồng Cấm, Bạch Đằng và Nam Triệu đạt 5,5m sâu (hoàn thành năm 2006) với tổng đầu tư 126 triệu đô la. Dự án xây dựng cảng quân sự Nam Đồ Sơn đã trình Chính phủ chờ phê duyệt.
Có 3 cảng biển nước sâu mới được qui hoạch thuộc nhóm 1. Trong số 3 cảng này, cảng Cái Lân được xây dựng cho tầu 10.000 đến 50.000 DWT (tổng lượng hàng hóa thông qua cảng này dự kiến đạt 21 triệu tấn năm 2010). Các cảng khác như Cẩm Phả, Lạch Huyện với tổng chiều dài thiết kế lần lượt là 8.000m và 8.280m sẽ đạt 33 triệu tấn. Theo Quyết định 202/199/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh qui hoạch chung hệ thống cảng biển Việt Nam và Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 12/8/2004 về điều chỉnh qui hoạch chi tiết nhóm cảng phía bắc đến 2010 và định hướng đến 2020 và Quyết định 2561/QĐ-BGTVT ngày 25/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, dự án cảng cửa ngõ Lạch Huyện, Hải Phòng đã được phép đầu tư và tổ chức nghiên cứu khả thi.
Cảng cửa ngõ Lạch Huyện được thiết kế với năng lực thông qua 35 triệu tấn hàng mỗi năm vào 2020 và gồm các hạng mục chính sau:
Cảng tổng hợp: thiết kế để tiếp nhận tầu 50.000 DWT. Phụ thuộc loại hàng hóa, cảng này được phân thành một số khu thiết kế cho mỗi loại hàng như công ten nơ, hàng rời, hàng đóng gói và rau quả.
Cảng hàng lỏng: Hàng thông qua cảng này gồm xăng dầu, khí ga v.v., cảng có thể tiếp nhận tầu 50.000 DWT. Đây sẽ là trung tâm lớn nhất lưu thông hàng hóa ở miền Bắc trong tương lai.
Khu công nghệ cao (công nghệ đóng tầu) được qui hoạch sửa chữa tầu đến 10.000 DWT. Hơn nữa, trong quá trình khảo sát và thiết kế, người ta đã tính đến những khu công nghiệp đặc biệt như sản xuất xi măng, nhà máy điện, sản xuất sắt và thép v.v.
Cảng Lạch Huyện sẽ xây dựng qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 2007-2015, giai đoạn hai từ 2015-2020.
Giai đoạn đầu đến 2015
Dự kiến lượng hàng thông qua cảng giai đoạn này là 6 triệu tấn/năm, gồm 2 triệu tấn xăng dầu và khoảng 4 triệu tấn hàng công ten nơ. Kế hoạch đầu tư như sau:
- Xây dựng cầu cảng 300m, sâu 14m để có thể tiếp nhận tầu 50.000 DWT (3.000 – 4.000 TEU) và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trang thiết bị.
- Xây dựng cảng nhập xăng dầu với tổ hợp trang thiết bị hiện đại để tiếp nhận tầu 30.000 DWT, một trung tâm kho hàng năng lực tổng cộng 240.000m3 với tổ hợp cơ sở hạ tầng hiện đại, một cảng xuất hàng cho tầu nội địa 3.000 DWT.
Trong giai đoạn đầu, các tầu 50.000 DWT còn bị hạn chế do năng lực của các đoạn luồng tầu đến 2015 nên chỉ đảm bảo xếp dỡ cho tầu trọng tải tối đa 30.000 DWT và dỡ hàng cho tầu 50.000 DWT. Luồng vào cảng là một chiều, rộng 130m và được nạo vét đạt độ sâu 10,3m.
Vùng quay tầu có đường kính 560m, nằm gần cảng công ten nơ với độ sâu tự nhiên là 12m.
Việc xây dựng các công trình bảo vệ bao gồm đê chắn sóng, công trình bảo vệ hệ thống giao thông, mặt nước và luồng tầu:
- Đê bao và chắn sóng có độ dài 3900m sẽ được xây dựng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để giảm đầu tư, độ cao đỉnh đê là 5m. Trong giai đoạn hai, độ cao này sẽ đạt 9m.
- Đê chắn cát để bảo vệ các luồng tầu sẽ nối liền đê chắn sóng, hình thành khu vực có chiều dài 5700m (từ bờ bãi đến vị trí có đáy sâu 3m), cao trình đỉnh đê chắn cát là 2m.
Bản quyền thuộc Bienxanh.Net, khi tham khảo liên hệ trưởng ban biên tập TS. Lê Xuân Sinh +84972366858 hoặc email: sinhlx@gmail.com
Ý kiến bạn đọc