Hot keys: Education and Training courses in Marine Scientist and Technology!

Giống san hô cành (acropora) vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam)

Đăng lúc: Thứ ba - 27/11/2012 08:44 - Người đăng bài viết: admin
Do nằm ở giữa Biển Đông có các điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp cho san hô phát triển nên khu hệ san hô ở quần đảo Trường Sa rất phong phú và đa dạng, trong đó phong phú nhất là giống san hô cành Acropora
1. Mở đầu
Nằm trong khoảng toạ độ 6o50’ - 12o00’ vĩ tuyến Bắc và 111o30’ - 117o30’ kinh độ Đông, với diện tích rộng khoảng 180.000km2 ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) có trên 100 hòn đảo nổi, bãi cạn và bãi ngầm. Đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng nằm ở cực đông - nam của tổ quốc, trong đó điểm gần bờ nhất cách Cam Ranh 248 hải lý về phía Đông. Quần đảo này từ xưa vốn nổi tiếng bởi nguồn lợi hải sản và tài nguyên photphat phân chim vô cùng phong phú. Điểm đặc biệt  của quần đảo này là lớp phủ bề ngoài của các đảo đều có nguồn gốc từ sinh vật mà quan trọng nhất là đá san hô với độ dày trên 20m và đến nay lớp phủ này vẫn ngày càng dày thêm nhờ sự phát triển hàng nghìn hecta rạn san hô bao phủ bên ngoài. Đồng thời, đây là khu vực có các rạn san hô dạng vòng (atoll) rất đặc trưng mà vùng biển ven bờ không có. San hô ở đây rất phát triển do môi trường nước trong sạch, chất đáy phù hợp, nhiệt độ ổn định. Trải qua hàng nghìn năm san hô đã bồi đắp cho đảo ngày càng mở rộng diện tích và nhô dần lên khỏi mặt biển. Đóng góp lớn nhất cho sự đa dạng và hình thành đảo phải kể đến giống san hô cành Acropora, chúng có số loài rất phong phú, tốc độ phát triển nhanh và là nơi sinh cư lý tưởng cho các loài sinh vật  biển.

2. Phương pháp nghiên cứu
- Áp dụng các phương pháp chuẩn đang được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu khảo sát rạn san hô như English 2007 [1], và Hodgson [2]. Kết hợp với các tài liệu phân loại san hô của Veron [10, 11, 12].
      - Sử dụng thiết bị lặn ngầm Scuba cho phép khảo sát đến độ sâu 40m. Ngoài ra các thiết bị khác như máy ảnh, máy quay phim, thước dây, dụng cụ thu mẫu… được sử dụng để phục vụ khảo sát.
 

3. Kết quả nghiên cứu
 
3.1. Sự đa dạng về loài
Nằm ở giữa Biển Đông thuộc vùng nhiệt đới, quần đảo Trường Sa có các điều kiện tự nhiên và môi trường rất phù hợp cho san hô phát triển. Đồng thời khu vực này nằm kề cận với trung tâm san hô của thế giới (hay Tam giác san hô – The Coral Triangle) do vậy khu hệ san hô rất phong phú và đa dạng, với khoảng 382 loài san hô cứng thuộc 70 giống, 15 họ đã được tìm thấy. Đây là nơi có số loài san hô khá cao, ngang bằng với số lượng loài phát hiện được trên toàn dải ven biển Việt Nam, bằng khoảng 2/3 số loài so với vùng Tam giác san hô, và bằng khoảng 1/2 số loài san hô trên toàn thế giới. Như vậy, có thể thấy Quần đảo Trường Sa rất phong phú về thành phần loài san hô tạo rạn. Trong đó, có một số đảo có số loài rất cao như Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử Tây, Sơn Ca với trên 200 loài [6, 7]. Trong thành phần khu hệ san hô ở quần đảo Trường Sa có giống Acropora thuộc họ Acroporidae luôn có số loài nhiều nhất và phổ biến nhất ở tất cả các đới từ 0mHĐ xuống đến chân rạn. Trong số 70 giống phát hiện được, riêng giống Acropora có đến 89 loài (chiếm đến 23,3% tổng số), so với số loài của các giống hiện có ở Trường Sa cho thấy số loài của giống Acropora cao hơn 2 lần giống đứng thứ 2 (Montipora) và cao hơn nhiều lần những giống phổ biến khác ở Trường Sa (hình 2), các giống còn lại (không được liệt kê trong hình) chỉ có từ 1-5 loài. Đây thể hiện vai trò ưu thế cũng như các điều kiện về tự nhiên, môi trường ổn định và rất phù hợp cho sự phát triển của giống này.
 
 
Đối với từng đảo (kể cả đảo nổi và đảo chìm) giống Acropora luôn chiếm số lượng loài cao từ 24 đến 65 loài, trung bình 45 loài mỗi đảo (chiếm 23,6% tổng số loài). Nhờ sự phát tán của ấu trùng ra môi trường ở vùng Tam giác san hô theo dòng nước trôi nổi khắp nơi khi đến Quần đảo Trường Sa gặp nền đáy cứng và môi trường thuận lợi chúng sẽ định cư phát triển, do khoảng cách giữa Quần đảo Trường Sa và Tam giác san hô không quá xa nên chúng luôn có sự trao đổi lẫn nhau. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh được khu hệ san hô ở Trường Sa có nhiều nét tương đồng với khu hệ san hô ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương [9, 13, 14].
 

 
Một đặc tính nữa giúp giống này luôn chiếm ưu thế là tốc độ phát triển nhanh kết hợp với hình thái dạng cành, dạng bàn lấn chiếm không gian làm cho các nhóm san hô khác bị canh tranh về ánh sáng, không gian sống và thức ăn. Thậm chí chúng còn tiết ra các độc tố hoặc sử dụng các tế bào thích ti có độc để tiêu diệt những loài gần kề. Chính vì vậy nhiều rạn san hô ở Trưởng Sa san hô cành chiếm trên 50% độ phủ của rạn và tạo thành những thảm san hô đơn loài rộng hàng trăm mét vuông như ở đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết.
Bảng 2. Số loài của giống Acropora và tỷ lệ % của chúng ở các đảo     


3.2. Một số loài san hô cành có giá trị
Hầu hết các loài san hô cành đều có vai trò rất lớn trong việc tạo các giá trị cảnh quan trong đó nổi bật lên là những loài san hô dạng bàn Acropora hyacinthus, A. cytherea, A. spicifera chúng phát triển mở rộng thành những tán bằng phẳng giống như những cái bàn, đôi khi chúng còn tạo thành tầng lớp chồng lên nhau như những thửa ruộng bậc thang. Các loài dạng cành như A. nobilis, A. aspera, A. formosa thường phát triển thành những đám lớn, ngọn mọc tua tủa như những bàn chông. Hay những loài san hô thường sống ở vùng nước sâu có các polyp dài sắp xếp như những chiếc chổi lông Acropora echinata, A. speciosa… Một số loài có màu sắc rực rỡ như những bông hoa lung linh dưới nước như Acropora tenuis, A. nana, A. subulata,… cùng nhiều loài khác với muôn vàn hình dáng và màu sắc hết sức hấp dẫn. Đặc biệt đi kèm với nó là những loài cá san hô màu sắc rất phong phú tạo ra một khung cảnh sống động và kỳ thú dưới làn nước trong vắt rất phù hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái ngầm.
Trong số các loài san hô cành Acropora được ghi trong sách đỏ Việt Nam ở mức độ sẽ nguy cấp (VU) thì ở khu vực Trường Sa có đủ cả 6 loài này, bao gồm: Acropora aspera, A. formosa, A. nobilis, A. austera, A. cerealis, A. florida. Đây là những loài có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái còn khá phổ biến ở khu vực Trường Sa nhưng đang mất dần ở vùng ven biển Việt Nam do những tác động của tự nhiên và con người. Do vậy cần có các biện pháp bảo vệ những loài này để duy trì nguồn giống phát tán cho vùng ven bờ.
Với hình dạng rất đa dạng nên giống Acropora thường được các ngư dân lấy làm cảnh hoặc được các tiểu thương thu mua chế tác thành những mặt hàng mỹ nghệ rất phổ biến trong các quầy hành lưu niện tại các khu du lịch. Mặc dù đã có các quy định của các tổ chức bảo tồn thế giới (CITES, IUCN) và Quyết định số 74/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nghiêm cấm vận chuyển buôn bán các loại san hô song ở Việt Nam tình hình khai thác và buôn bán san hô vẫn tồn tại.

3.3. Đặc trưng phân bố
Sự phân bố rộng của giống Acropora thể hiện sự hiển diện trên khắp các mặt cắt toàn khu vực quần đảo Trường Sa từ đảo nổi đến các đảo chìm. Trong số 9 đảo được khảo sát chi tiết cho thấy, giống Acropora xuất hiện với tần xuất và số lượng loài rất cao (Bảng 2). Điều này có thể thấy khu vực quần đảo Trường Sa rất phù hợp cho sự phát triển của san hô nói chung và giống Acropora nói riêng đặc biệt là sự phù hợp của các yếu tố thủy lý thủy hóa của môi trường nước và nên đáy cứng giúp cho san hô phát triển rất thịnh vượng. Ngoài ra sự ổn định của môi trường qua thời gian dài cũng giúp cho giống này ít có sự biến động lớn vì đây là nhóm loài nhạy cảm nhất trong các loài san hô.
Giống Acropora rất phổ biến ở quần đảo Trường Sa, chúng có mặt hầu hết trên các mặt cắt khảo sát từ 0mHĐ đến chân rạn, nhưng phổ biến nhất ở độ sâu khoảng 4-12m. Ở độ sâu từ 0m đến 3m do chế độ thủy động lực mạnh (sóng và dòng chảy) nên chúng có sự biến đổi hình dạng để thích nghi như kích thước tập đoàn nhỏ, cành to hơn nhưng ngắn lại, có phần chân bám phát triển để bám chặt vào nền đáy. Từ 4m đến 15m tác động của sóng giảm, san hô phát triển nhất và đa dạng nhất, kích thước lớn, độ phủ cao, nhiều nơi chúng tập trung thành những thảm đơn loài có diện tích hàng trăm mét vuông. Từ 15m trở xuống chân rạn do ở độ sâu này ảnh hưởng của sóng không còn nhưng ánh sáng yếu dần nên san hô cành có xu thế phát triển theo chiều ngang để tiếp nhận ánh sáng nhiều nhất, san hô thường có cành nhỏ, giòn, dễ gẫy hơn ở tầng nước nông. Đặc biệt có một số loài thường tìm thấy ở cuối sườn dốc đứng và với độ sâu lớn trên 20m như Acropora carduus, A. wallidii, A. rosaria A. jacquelineae, A. echinata, A. pichoni.
Những rạn san hô nằm phía trong các cụm rạn vòng hở như Bắc Nam Yết, Nam Sơn Ca, Nam Sinh Tồn do nền đáy thoải đều, ảnh hưởng của sóng được giảm bớt san hô cành phát triển rất mạnh, tỷ lệ độ phủ san hô cành Acropora chiếm trên 50% độ phủ chung. Ngược lại trong khi những atoll kín yên sóng như Thuyền Chài các loài Acropora không phổ biến, kích thước tập đoàn không lớn do sự trao đổi nước giữa trong hồ và bên ngoài kém nên không phù hợp cho san giống Acropora phát triển mà ở đây nhóm loài san hô ưa vùng nước tĩnh như Montipora digitata, Porites cylindrica rất phổ biến. Ở những mặt cắt có độ dốc lớn (70-900) như phía nam Nam Yết, Thuyền Chài giống này rất ít, nếu có thì kích thước tập đoàn nhỏ, nhưng tại những bậc thềm ở độ sâu 20-30m lại có khá nhiều loài Acropora.

3.4. Vai trò và ý nghĩa sinh thái của san hô
Các loài san hô nói chung và giống Acropora nói riêng giữ vai trò sinh thái rất quan trọng trên rạn san hô. Ngoài tốc độ sinh trưởng nhanh làm tăng độ che phủ của san hô và tăng sự tích tụ cacbonat canxi giúp rạn phát triển nhanh hơn, chúng còn có hình dáng rất đa dạng từ dạng khối, phủ, cành, cây bụi, bàn… nó đã tạo ra cho rạn sự phong phú về sinh cảnh nên chúng giữ vai trò sinh thái lớn nhất trong hệ sinh thái rạn san hô, tạo nên những hang hốc, khe hở cho các loài sinh vật biển đến trú ngụ, trốn tránh kẻ thù. Chính vì vậy ở đâu có rạn san hô phát triển thì sẽ có sự đa dạng sinh học cao và ngược lại nếu làm mất các rạn san hô thì các loài sinh vật cũng mất dần theo một tỷ lệ thuận.
            Một đặc điểm rất khác biệt của san hô là có tảo đơn bào sống cộng sinh trong mô thịt của san hô, sự quang hợp của tảo cung cấp trên 90% lượng thức ăn cần thiết nên chúng chỉ cần lấy một lượng nhỏ thức ăn từ bên ngoài. Do vậy làm giảm bớt sự canh tranh thức ăn với các loài sinh vật khác, đồng thời san hô còn thải ra môi trường ngoài các sản phẩm hữu cơ tạo nguồn thức ăn cho các động vật phù du và các ấu trùng nhỏ. Sự hấp thu lượng CO­­2 đáng kể trong nước biển để thực hiện quá trình quang hợp của tảo cộng sinh trong san hô còn có vai trò điều hòa khí hậu, giảm bớt lượng khí thải nhà kính và giảm sự ấm lên khí hậu toàn cầu.
            Ngoài ra chúng còn vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ bờ đảo chóng xói lở, cảnh quan du lịch sinh thái ngầm, nguồn dược liệu chưa được khám phá, vật liệu xây dựng trên đảo. Đặc biệt sự bồi tích và tích tụ các vật liệu từ san hô giúp cho các đảo ngày càng mở rộng diện tích và nhô dần lên khỏi mặt biển tạo thành những đảo nổi.

3.5. Các tác động ảnh hưởng đến san hô cành
Khác với các rạn san hô ven bờ, quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông cách xa đất liền hàng trăm hải lý cho nên môi trường không chịu tác động của bất cứ nguồn ô nhiễm nào từ lục địa, đồng thời các nguồn gây ô nhiễm nội tại trên đảo không đáng kể hoặc chỉ mang tính tức thời nên môi trường nước ở đây luôn trong sạch và ổn định không ảnh hưởng đến đời sống của san hô. Kết quả của các chuyến khảo sát đã cho thấy những tác động chính làm ảnh hưởng đến san hô Trường Sa bao gồm:
- Sự phát triển của sao biển gai (Acanthaster planci): Giống Acropora là thức ăn ưa thích của sao biển gai đặc biệt đối với những loài san hô dạng bàn. Hiện tượng này đã làm suy giảm mạnh độ phủ san hô ở đảo Nam Yết và Thuyền Chài trong các năm 2007, 2008.
- Khai thác hải sản bằng hình thức lặn có dưỡng khí kết hợp với dùng mìn, thuốc độc đang diễn ra hàng ngày ở quần đảo Trường Sa. Do không có lực lượng bảo vệ hay quản lý nên ngư dân vẫn tự do sử dụng mìn và thuốc độc để khai thác hải sản trên rạn làm san hô bị tàn phá nặng nề nhiều đám san hô bị vỡ vụn. Khai thác quá mức một số loài làm mất cân bằng sinh thái cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của sao biển gai.
- Xây dựng cầu cảng, âu tàu tránh bão: hàng nghìn mét vuông rạn san hô bị đào bới để khơi thông luồng tàu và làm vật liệu xây dựng.
- Quần đảo Trường Sa nằm ở nơi mà các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hay đi qua gây ra sóng lớn và dòng chảy mạnh làm giập nát, phá huỷ và cuốn trôi các tập đoàn san hô sống ở các nước nông.
- Sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các rạn san hô ở đây đặc biệt nhóm loài Acropora. Hiện tượng El-nino vào năm 1998 và 2010 đã làm nhiều rạn san hô trên thế giới và ở miền Trung và miền Nam chết hàng loạt do nhiệt độ nước biển tăng cao, do đó các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa chắc chắn không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên do nằm cách xa đất liền nên không có điều kiện để khảo sát kịp thời nên không có số liệu nào được ghi nhận về hiện tượng này.

4. Kết luận
Khu hệ san hô ở quần đảo Trường Sa rất phong phú và đa dạng trong đó phong phú nhất là giống san hô cành Acropora với 89 loài, cao nhất trong các giống san hô hiện có ở Trường Sa (chiếm 23,3% tổng số). Đồng thời tại mỗi đảo, giống Acropora luôn có số loài cao nhất do chúng có tốc độ phát triển nhanh, chiếm ưu thế cả về số loài và độ phủ trên rạn. Ngoài các giá trị về cảnh quan, nhóm san hô cành còn giữ vai trò sinh thái rất quan trọng trong hệ sinh thái, là nơi cư trú, kiếm mồi, sinh sản của hàng nghìn loài sinh vật biển. Trong số 6 loài thuộc nhóm san hô cành có trong sách đỏ Việt Nam thì đều có mặt ở Trường sa và khá phổ biến. Nhóm san hô cành là nhóm phân bố rộng có thể tìm thấy trên tất cả các đảo và ở mọi độ sâu trong phạm vi của rạn, nhưng phổ biến nhất là từ 4-15m. Ở những rạn nằm phía trong các atoll hở san hô cành phát triển rất tươi tốt, trong khi trong lòng atoll kín và những rạn dốc san hô cành lại rất ít nhưng ở những bậc thềm nơi có độ sâu 20-30m lại có khá nhiều. Do ở xa bờ không có sự quản lý nên các rạn san hô Trường Sa đang phải chịu những tác động bất lợi từ việc khai thác hải sản bằng các hình thức hủy diệt, sự phát triển của Sao biển gai gây tác hạy lớn đến san hô cành ở Nam Yết, Thuyền Chài, ngoài ra xây dựng cảng, âu tàu tránh trú bão và biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến san hô cành nói riêng và rạn san hô ở Trường Sa nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.      English S., Wilkinson C., Baker V., 1997. Survey manual for tropical marine resources. Aust. Inst. Mar. Sci., p. 1 – 117.
2.      Hodgson, G., Kiene, W., Mihaly, J., Liebeler, J., Shuman, C., and Maun, L. 2004. Reef Check Instruction Manual: A Guide to Reef Check Coral Reef Monitoring, Published by Reef Check, Institute of the Environment, University of California at Los Angeles.
3.      Hoegh-Guldberg, Veron, J.E.N., Green, A., Gomez et al., 2009. The Coral Triangle and Climate Change: Ecosystems, People and Societies at Risk. WWF Australia, Brisbane, 276 pp.
4.      Lăng Văn Kẻn, Nguyễn Huy Yết,  1996. Dẫn liệu về thành phần loài san hô đá và rạn san hô đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa. Tuyển tập Tài nguyên và Môi trường biển, Tập III. NXB Khoa học Kỹ thuật.
5.      Nguyễn Đăng Ngải, 2009. Một số nét đặc trưng của quần xã san hô đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Tuyển tập Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh học biển và phát triển bền vững. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ. Tr 123-130.
6.      Nguyễn Đăng Ngải, 2008. Đánh giá hiện trạng san hô và đề xuất thành lập khu bảo tồn biển quần đảo Trường Sa. Tạp chí Biển Việt Nam, ISSN 1859-0233, số 11, trang 11-18.
7.      Đỗ Công Thung và nnk, 2008. Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng các khu bảo tồn biển vùng quần đảo Trường Sa. Báo cáo tổng kết đề tài thuộc chương trình nhà nước về Biển Đông – Hải đảo. Lưu trữ tại Viện TN&MTB.
8.      Nguyễn Đăng Ngải, 2010. Ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên đến sự phân bố của san hô quần đảo Trường Sa. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ ISBN 978-604-913-014-4, tr 144-149.
9.      Võ Sĩ Tuấn, Nguyễn Huy Yết, Nguyễn Văn Long, 2005. Hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 212tr.
10.  Veron J. E. N., Wallace C.C., 1984. Scleractinia of Eastern Australia. Part V - Families Acroporidae. Australia Institute Marine Science Monogr. Ser. Vol. 6, p. 1 - 485
11.  Veron J. E. N., 1986. Corals of Australia and the Indo- Pacific. Argus and Robertson Publ. Sydney, London, p. 1 - 664.
12.  Veron J. E. N., 2000. Corals of the World. Institute of Marine Science, Australia. Volume 1, 2, 3.
13.  Nguyễn Huy Yết, 1998. Một số dẫn liệu về san hô tạo rạn ở cụm đảo Song Tử thuộc quần đảo Trường Sa. Tuyển tập các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng biển quần đảo Trường Sa. NXB Kỹ thuật.
14.  Nguyễn Huy Yết, Võ Sĩ Tuấn, Lăng Văn Kẻn, 1998. Dẫn liệu bước đầu về thành phần loài san hô cứng (Scleractinia-Hexacorallia) ở quần đảo Trường Sa. Tuyển tập các công trình nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng biển quần đảo Trường Sa. NXB Kỹ thuật.
Tác giả bài viết: ThS.NCS. Nguyễn Đăng Ngải - Viện Tài nguyên và Môi trường biển

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Avata
truongson - Đăng lúc: 27/11/2012 14:22
cho mình xin số email của tác giả bài viết này

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Bizmac.com -thiết kế web 24/7

Xem kênh Youtube

Thăm dò ý kiến

Bạn hiểu gì về lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển

Không quan tâm

Hiểu không nhiều

Tôi đã học một vài tài liệu

Rất quan tâm và thương xuyên đọc web bienxanh.net





Thống kê

  • Đang truy cập: 382
  • Khách viếng thăm: 380
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 51168
  • Tháng hiện tại: 848053
  • Tổng lượt truy cập: 68218220
   
Loading
Trưởng ban biên tập: TS. Lê Xuân Sinh - Email: bienxanhs.net@gmail.com - Hotline: +(84)972-366-858