Hot keys: Education and Training courses in Marine Scientist and Technology!

Vị TS nặng lòng với "kinh tế xanh", dạy HS bảo vệ môi trường từ việc làm cụ thể

Đăng lúc: Thứ hai - 17/03/2025 15:01 - Người đăng bài viết: admin
GDVN- Khi mỗi cá nhân nhận thức được rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ lợi ích của chính mình, chắc chắn sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

Cùng với sự phát triển của các nền kinh tế và bùng nổ dân số, môi trường đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, những cá nhân, tổ chức và các nhà khoa học làm việc không mệt mỏi để tìm ra những giải pháp bảo vệ và phục hồi môi trường đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.


Xem Clip hướng dẫn phân loại rác tại nhà !

 

Tiến sĩ Lê Xuân Sinh (sinh năm 1980), hiện là nghiên cứu viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Với 22 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy, Tiến sĩ Lê Xuân Sinh đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển chiến lược bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy lối sống xanh, bền vững trong cộng đồng.

 
461198542_8550136968339789_1872237646529723511_n.jpg
Tiến sĩ Lê Xuân Sinh - nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ biển và Bảo tàng Hải dương học tại ĐS  (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: NVCC.

Dự án "kinh tế xanh" giúp người dân xã đảo phát triển bền vững

Tiến sĩ Lê Xuân Sinh đã tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) từ năm 2003. Chàng tân cử nhân khi ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng, bản thân sẽ làm những công việc liên quan đến chuyên ngành đã được đào tạo.

“Những công việc “đúng ngành” với tôi khi ấy hầu hết sẽ gắn liền với các nhà máy, các khu công nghiệp - nơi mà tôi có thể áp dụng kiến thức kỹ thuật của mình để giải quyết các vấn đề môi trường. Nhưng một cơ duyên đã đưa tôi đến với Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Đây thực sự là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của tôi, không chỉ là chuyển từ công việc kỹ thuật sang nghiên cứu, mà còn bởi tôi đã được tiếp xúc và đóng góp vào những vấn đề môi trường biển cấp bách và quan trọng.

Ban đầu, việc lựa chọn lĩnh vực môi trường chỉ dừng lại là “chọn nghề” nhưng khi càng đi sâu vào nghiên cứu và tiếp xúc với thực tiễn, tôi nhận ra rằng nghề đã chọn tôi trở thành “người yêu môi trường”. Mỗi nơi tôi đến đều để lại dấu ấn trong công việc, dù là nghiên cứu, khảo sát hay triển khai các dự án thực tế. Có thể nói rằng, gần như mọi tỉnh thành ven biển đều có dấu chân của tôi và tôi gần như đã được chứng kiến sự thay đổi của môi trường biển của Việt Nam qua từng năm” - vị tiến sĩ bộc bạch.

Một trong những đề tài quan trọng mà vị tiến sĩ nghiên cứu thành công là “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam” được triển khai từ năm 2017, quá trình khảo sát, nghiên cứu kéo dài 3 năm. Đề tài đã được đưa vào thực tiễn vào năm 2020 và trở thành mô hình thành công tại xã đảo Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng), xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn, Bình Định) và xã đảo Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang). Mô hình này đã giúp tăng cường nhận thức người dân bản địa về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên; đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương. Cho tới nay, sự phát triển du lịch xanh bền vững của 3 xã đảo trên đều ghi dấu chân của Tiến sĩ Lê Xuân Sinh.

Sinh ra và lớn lên tại đất cảng Hải Phòng, Tiến sĩ Lê Xuân Sinh mang trong mình tình yêu mãnh liệt với biển cả từ những ngày còn thơ bé: “Biển không chỉ là nơi tôi lớn lên, mà còn là nguồn cội, là hơi thở cuộc sống của tôi. Ngày nhỏ, tôi thường đứng bên bờ biển hàng giờ chỉ để lắng nghe tiếng sóng, ngắm nhìn từng con tàu ra khơi và vẫn luôn tự hỏi “làm sao để những cảnh đẹp này không bao giờ biến mất?”. Nhưng rồi khi lớn lên, tôi nhìn thấy thực tế rất khác: Biển bị rác thải nhựa xâm chiếm, các rạn san hô chết dần, cá tôm không còn nhiều như trước. Đó là lúc, tôi hiểu rằng mình cần phải làm gì đó để giữ gìn biển cả - không chỉ cho thế hệ hôm nay, mà còn cho mai sau”.

Với Tiến sĩ Lê Xuân Sinh, mỗi xã đảo như một mảnh ghép quý giá trong bức tranh biển cả mà bản thân luôn khát khao gìn giữ: “Tôi yêu biển, và tôi biết mình phải làm điều gì đó để trả ơn biển cả. Dự án này không chỉ là công việc, mà là lời hứa của tôi với chính mình: “Gìn giữ biển cả cho tương lai”.

Việc áp dụng mô hình kinh tế xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp nâng cao đời sống người dân. Khi mỗi cá nhân nhận thức được rằng, việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ lợi ích của chính mình, họ sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp phát triển kinh tế bền vững”.

 

Tâm niệm về một hành trình lan toả lối sống xanh

Bên cạnh những thành công của dự án, Tiến sĩ Lê Xuân Sinh cũng cố gắng lan toả lối sống xanh trong cách sinh hoạt của người dân xã đảo: “Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai quy trình xử lý rác tại nhà với tiêu chí đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ và điều kiện của người dân. Quy trình này giúp biến lượng rác hữu cơ thành phân bón, phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc cây trồng, hoa màu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với huyện để triển khai mô hình “cấm sử dụng túi nilon và nhựa dùng một lần” tại xã đảo Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng), biến nơi đây thành “mô hình điểm” cho thành phố Hải Phòng.

Mặc dù để thực hiện được mục tiêu này, cần một quá trình dài hạn, nhưng việc đưa mô hình vào kế hoạch hành động và chương trình cụ thể đã giúp định hình hướng đi rõ ràng, góp phần xây dựng một xã đảo xanh, sạch, đẹp hơn. Đây là những kết quả đáng khích lệ mà chúng tôi đã đạt được sau khi triển khai dự án. Nhìn thấy cuộc sống người dân vùng biển có thể phát triển theo hướng bền vững, ngày càng xanh - sạch - đẹp, tôi càng cảm thấy lựa chọn đi trên “con đường xanh” là hoàn toàn đúng đắn”.

 
Tiến sĩ Lê Xuân Sinh hướng dẫn bà con xã đảo xử lý pin cũ. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Xuân Sinh hướng dẫn bà con xã đảo xử lý pin cũ. Ảnh: NVCC.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Sinh, hoạt động bảo vệ môi trường giống như “hơi thở” cuộc sống của anh, trước khi nghĩ tới những điều lớn lao, thay đổi lớn nhất phải đến từ nhận thức của từng cá nhân.

“Tôi tin rằng, giáo dục về bảo vệ môi trường tại trường học đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa lối sống xanh. Học sinh là thế hệ tương lai, là lực lượng tiếp nối sẽ chịu trách nhiệm với môi trường sau này.

Vì thế, tôi thường tổ chức các buổi chia sẻ tại trường học, không chỉ về lý thuyết mà còn mang đến những mô hình thực tế. Tôi đem theo các vật liệu phân loại sẵn để học sinh tận mắt quan sát, thực hành tại chỗ, biến lý thuyết khô khan thành những trải nghiệm sống động. Ngoài ra, tôi còn cung cấp tài liệu, video hướng dẫn và thông tin trực tuyến để các em có thể tự học, tự nghiên cứu thêm ở nhà” - vị tiến sĩ cho biết.

 
Các hoạt động khảo sát tại các xã đảo xa xôi (Cát Bà - Hải Phòng, Nhơn Châu - Bình Định, Nam Du - Kiên Giang) (1).png

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Xuân Sinh cũng hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến môi trường, từ những ý tưởng đơn giản nhưng thiết thực. Đây là cách để khơi dậy tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của các em. Vị tiến sĩ tin rằng, những nhà khoa học môi trường tương lai có thể xuất phát từ những bài học nhỏ như vậy.

Anh không ngần ngại giãi bày: “Tôi luôn hướng đến một mục tiêu duy nhất: Làm sao để tương lai của chúng ta, thế hệ kế cận, được sống trong một môi trường xanh, sạch và bền vững. Bởi vì, dù mỗi người có một chu kỳ sống từ 65 đến 80 năm, nhưng các thế hệ sau sẽ tiếp tục đồng hành cuộc sống trên Trái Đất này. Hiện nay, Trái Đất đang ngày càng bị ô nhiễm, môi trường đang xuống cấp, đó là điều mà chúng ta có thể cảm nhận rõ rệt qua chính đôi mắt cũng như qua những thiết bị phân tích hiện đại”.

273765168_5047985985221589_8924241615346342932_n.jpg
Tiến sĩ Lê Xuân Sinh thực hành lối sống xanh ngay chính trong gia đình mình. Ảnh: NVCC.

Dẫu vậy, để lối sống xanh thực sự lan tỏa và đi vào đời sống hàng ngày, vị tiến sĩ cũng cho rằng, chúng ta cần nhiều hơn sự nỗ lực cá nhân.

“Hiện nay, dù đã có các quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường, nhưng thực tế việc triển khai vẫn còn hạn chế. Nhiều chính sách chỉ mang tính khuyến khích hoặc tự nguyện, chưa có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính thực thi.

Tôi cho rằng, cần có cơ chế pháp lý và hệ thống giám sát đồng bộ, từ cấp chính quyền đến người dân, để tạo nên sự thay đổi thực chất. Chẳng hạn, chúng ta có thể xây dựng các đội ngũ giám sát và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhìn vào những mô hình giám sát giao thông hay an toàn xã hội, chúng ta thấy hiệu quả rõ rệt khi có sự tham gia của các lực lượng chức năng và cộng đồng. Nếu áp dụng tương tự vào lĩnh vực môi trường, tôi tin rằng sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hơn nữa, cần tạo ra sự đồng thuận và phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân. Khi mọi người cùng nhận thức được tầm quan trọng của môi trường sạch đẹp, lối sống xanh sẽ không còn là điều xa vời, mà trở thành một phần thiết yếu trong đời sống. Tôi hy vọng rằng, với những nỗ lực này, chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường sống bền vững, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai” - Tiến sĩ Lê Xuân Sinh nhấn mạnh.
 


 

Tác giả bài viết: Bài đăng thuộc bản quyền của http://giaoduc.net.vn/

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Bizmac.com -thiết kế web 24/7

Xem kênh Youtube

Thăm dò ý kiến

Bạn hiểu gì về lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển

Không quan tâm

Hiểu không nhiều

Tôi đã học một vài tài liệu

Rất quan tâm và thương xuyên đọc web bienxanh.net





Thống kê

  • Đang truy cập: 387
  • Hôm nay: 111204
  • Tháng hiện tại: 1854643
  • Tổng lượt truy cập: 86856758
   
Loading
Trưởng ban biên tập: TS. Lê Xuân Sinh - Email: bienxanhs.net@gmail.com - Hotline: +(84)972-366-858